VietGAP là gì? Lợi ích, quy trình và tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn VietGAP như thế nào?
VietGAP là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices có nghĩa là Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện cần để nông sản Việt có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu quốc tế. Vậy VietGAP là gì? Vai trò ra sao? Doanh nghiệp cần làm gì để có được chứng nhận này, cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
VietGAP là gì? Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực bao lâu? Tiêu chí và lĩnh vực áp dụng?
Doanh nghiệp còn đang băn khoăn về tiêu chuẩn VietGAP là gì? Giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP có hiệu lực trong thời gian bao lâu? Chúng được áp dụng trong các lĩnh vực nào? Tiêu chí đánh giá và quy trình cấp chứng nhận VietGAP ra sao, dưới đây là những giải đáp cụ thể:
Tiêu chuẩn VietGAP là gì?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT có quy định:
VietGAP viết tắt của cụm từ Vietnamese Good Agricultural Practices có nghĩa là thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành vào ngày 28-1-2008.
VietGAP bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục với mục đích hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các bộ tiêu chuẩn/ quy phạm của VietGAP biên soạn dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam như: Luật an toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước… Hướng dẫn của FAO và một số quy định tại các tiêu chuẩn Asean GAP, GlobalG.A.P., HACCP.
Hiệu lực của giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP
Căn cứ Điều 17 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, khoản 2 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT có quy định về hiệu lực của giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP là 02 năm và được gia hạn tối đa 03 tháng đối với trường hợp cơ sở sản xuất được cấp Giấy chứng nhận nhưng không tiếp tục đăng ký cấp lại sau khi hết hạn.
VietGAP áp dụng trong các lĩnh vực nào?
VietGAP được quy định áp dụng cho 3 nhóm: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản:
- Lĩnh vực trồng trọt: Căn cứ theo TCVN 11892-1:2017, VietGAP trồng trọt áp dụng cho các hoạt động trồng trọt, canh tác các sản phẩm nông sản nguồn gốc thực vật như rau củ quả, trái cây, chè búp tươi, khoai sắn, lúa, cà phê, điều…
- Lĩnh vực chăn nuôi: Căn cứ theo quyết định số 4653/QĐ-BNN-NC VietGAP chăn nuôi hay còn được gọi là VietGAHP áp dụng cho các đối tượng vật nuôi như gia cầm, lợn, bò, sữa, ong và các sản phẩm từ ong…
- Lĩnh vực thủy sản: Áp dụng với các đối tượng động vật thủy sản và thực vật thủy sản như cá tra, cá rô phi, tôm sú… với mục đích làm thực phẩm cho con người.
Các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP
Căn cứ theo các bộ tiêu chuẩn/ quy phạm của VietGAP có 4 tiêu chí đánh giá doanh nghiệp thực hành sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
- Tiêu chí kỹ thuật sản xuất: Doanh nghiệp cần phải đạt được những quy định cụ thể về phương pháp canh tác, thu hoạch, các tiêu chuẩn về chọn giống cây trồng trong nông nghiệp, con giống trong thủy sản, chăn nuôi, đảm bảo tiêu chí về nguồn đất và nước.
- Tiêu chí về môi trường làm việc: Doanh nghiệp cần đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn lao động để ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
- Tiêu chí an toàn thực phẩm: Tiêu chí đặc biệt quan trọng của chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng thực phẩm không để ô nhiễm trong quá trình canh tác, không sử dụng các loại chất bảo quản dư lượng kháng sinh, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép theo quy định.
- Tiêu chí nguồn gốc sản phẩm: Các sản phẩm chứng nhận VietGAP đều phải đảm bảo điều kiện truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm tốt nhất.
Quy trình áp dụng VietGAP
Các giai đoạn xây dựng, áp dụng và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP diễn ra như sau:
Giai đoạn 1: Khảo sát điều tra hiện trạng của khu vực nuôi trồng
Đánh giá hiện trạng ban đầu của vùng sản xuất về phương pháp canh tác, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mẫu đất… từ đó đưa ra các điểm phù hợp chưa phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP để có kế hoạch tư vấn khắc phục.
Giai đoạn 2: Đào tạo nhận thức VietGAP
Thực hiện đào tạo là bước cần thiết để nhân viên có những kiến thức cơ bản về VietGAP. Hiểu được lý thuyết về các nguyên tắc cơ bản trong VietGAP và cách thức ghi chép nhật ký. Sau đó, chuyên gia tư vấn sẽ xây dựng các quy trình, thiết lập biểu mẫu ghi chép, chuẩn hóa quy trình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP.
Giai đoạn 3: Áp dụng thực hành tiêu chuẩn VietGAP
Doanh nghiệp khi đã có quy trình và biểu mẫu cần phải áp dụng ngay trong việc sản xuất. Trong quá trình thực hiện cần ghi chép biểu mẫu, lưu lại hồ sơ để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Giai đoạn 4: Doanh nghiệp đánh giá nội bộ
Doanh nghiệp cần theo dõi, giám sát việc thực hiện của nhân viên trong việc tuân thủ các quy trình hay thực hiện ghi chép biểu mẫu đầy đủ hay không. Từ đó, đưa ra những đánh giá để tự hoàn thiện hệ thống của mình sao cho phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP.
Giai đoạn 5: Đánh giá cấp chứng nhận VietGAP
Doanh nghiệp thực hiện đăng ký chứng nhận với Tổ chức chứng nhận VietGAP. Đoàn chuyên gia của tổ chức chứng nhận xuống đánh giá thực tế. Nếu kết quả đánh giá thực tế và kết quả kiểm nghiệm sản phẩm đạt yêu cầu doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ VietGAP theo TCVN 11892-1:2017.
Doanh nghiệp muốn tư vấn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hiệu quả xin vui lòng liên hệ HOTLINE 086.869.5822 | 096.584.7488 | 0969.655.488 |
Các nội dung của tiêu chuẩn VietGAP
Các yêu cầu trong tiêu chuẩn VietGAP là những yếu tố cơ bản được quy định trong tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam bao gồm:
– Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất đạt yêu cầu
– Quản lý Giống và gốc ghép theo tiêu chuẩn đề ra
– Quản lý đất và giá thể
– Quản lý Phân bón và chất phụ gia
– Quản lý Nước tưới cho cây trồng
– Quản lý Hóa chất cho nuôi trồng (gồm phân vô cơ và thuốc BVTV);
– Quản lý Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch
– Quản lý và xử lý chất thải đúng quy trình
– Quản lý An toàn lao động đảm bảo quyền lợi người lao động
– Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm minh bạch rõ ràng.
– Kiểm tra nội bộ theo đúng kế hoạch
– Khiếu nại và giải quyết khiếu nại khi có
Lợi ích của VietGAP là gì?
Áp dụng mô hình chuẩn VietGAP đem đến nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và xã hội.
Đối với nhà sản xuất: Chứng nhận VietGAP tạo ra cơ hội cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp muốn đưa nông sản vào siêu thị trong nước. Đồng thời, mở ra cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế. Chứng nhận VietGAP giúp tăng cường độ tin cậy của người tiêu dùng và các đối tác quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nông sản Việt. Việc có chứng nhận VietGAP còn giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thêm thị trường mới.
Đối với người tiêu dùng: Một trong những lợi ích lớn nhất mà VietGAP hướng tới là tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Từ đó, hạn chế những vấn đề bệnh tật, ngộ độc thực phẩm tạo ra sự an tâm cho người tiêu dùng. Các sản phẩm VietGAP đều có giấy chứng nhận, tem mác dễ dàng cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Đối với xã hội: Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP góp phần đưa nền sản xuất Việt Nam được cải tiến vượt bậc. Các sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giúp hạn chế bệnh tật nâng cao đời sống sinh hoạt cộng đồng, giảm thiểu chi phí cho các vấn đề sức khỏe. Lợi ích của VietGAP còn khẳng định tên tuổi của các sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi của Việt Nam. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển ngày càng ổn định và bền vững hơn.
Hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP với cơ sở sản xuất
Hình thức đánh giá của tổ chức chứng nhận VietGAP được quy định tại Điều 14 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi như sau:
1. Tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá lần đầu sau khi cơ sở sản xuất ký hợp đồng chứng nhận VietGAP.
2. Đánh giá hành động khắc phục được thực hiện sau khi cơ sở sản xuất được đánh giá nhưng chưa đủ điều kiện được cấp hoặc duy trì hoặc mở rộng Giấy chứng nhận VietGAP.
3. Đánh giá lại được thực hiện khi cơ sở sản xuất yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP đã hết hiệu lực.
4. Đánh giá giám sát được thực hiện sau khi được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Đánh giá giám sát có thể thực hiện định kỳ (báo trước) hoặc đột xuất (không báo trước); số lần đánh giá giám sát do tổ chức chứng nhận quyết định tùy trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo việc duy trì VietGAP của cơ sở sản xuất.
5. Nếu có đánh giá đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Khi có khiếu nại về việc cơ sở sản xuất không tuân thủ VietGAP;
– Khi phát hiện sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo VietGAP không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm;
– Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP
VietGAP là quy chuẩn để đo lường chất lượng của các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản Việt Nam. Việc áp dụng mô hình VietGAP vào sản xuất bên cạnh những điều kiện thuận lợi vẫn còn những khó khăn và vướng mắc nhất định.
Thuận lợi khi áp dụng mô hình VietGAP
- Mô hình VietGAP ngày càng được khuyến khích áp dụng để ngăn ngừa và hạn chế những rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm. Do đó, có nhiều văn bản quy định hướng dẫn thực hiện.
- Bộ NN và PTNT đã cử các các bộ đầu ngành hướng dẫn nông dân về quy trình kỹ thuật hỗ trợ một phần kinh tế xây dựng mô hình và đầu tư cơ sở vật chất máy móc thiết yếu.
- Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, nuôi trồng giúp giảm chi phí đầu tư nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Các vùng trồng được quy hoạch với quy mô rộng nên tiện lợi cho việc chăm sóc, nuôi trồng.
Khó khăn khi áp dụng mô hình VietGAP
- Việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm, diện tích quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, thủy sản an toàn tập trung còn rất ít.
- Nhiều giống cây không đạt chất lượng, vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu vẫn chưa thể dứt bỏ, công nghệ sau thu hoạch yếu kém là khó khăn để mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Chi phí đầu tư để có được cơ sở hạ tầng đồng bộ là khá lớn, với quy mô từ hệ thống xử lý nước, nhà nuôi trồng, nhà sơ chế…
- Việc áp dụng mô hình VietGAP cần ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn, ghi chép đầy đủ nên cần có đội ngũ lao động chuyên trách thực hiện, tuy nhiên người dân thường sản xuất không có nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật.
- Các sản phẩm được sản xuất và chế biến theo mô hình VietGAP khi bán ra vẫn còn hạn chế. Các sản phẩm chủ yếu vẫn phải bán qua các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
- Thói quen canh tác truyền thống như rửa bình phun dụng cụ pha chế, thuốc bảo vệ thực vật ở các ao hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước làm ngộ độc thuỷ sinh cũng là những hạn chế trong quá trình áp dụng mô hình VietGAP.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trên đây các doanh nghiệp sẽ hiểu hơn về chuẩn VietGAP là gì, lĩnh vực áp dụng cũng như các tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn VietGAP. Nếu như cần tư vấn chứng nhận VietGAP liên hệ ngay với SUTECH, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ tư vấn chi tiết cho quý doanh nghiệp.