fbpx

Phát thải khí nhà kính và các nguồn phát thải

Đánh giá bài viết

Phát thải khí nhà kính là nguyên nhân gây nên các biến đổi về môi trường và khí hậu. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến con người và hoạt động sản xuất. Xác định được nguồn phát thải và có các biện pháp giảm thiểu là việc làm cần thiết và kịp thời để xây dựng nền kinh tế ổn định và lâu dài.

Phát thải khí nhà kính là gì?

Phát thải là hoạt động thải ra môi trường các chất có hại, gây ô nhiễm môi trường. Phát thải có thể xảy ra ở nhiều dạng khác nhau.
Khí nhà kính bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3 và các khí CFC. Phát thải khí nhà kính là hoạt động thải ra môi trường các khí trên gây nên hiệu ứng khí nhà kính.

Phát thải khí nhà kính
Phát thải khí nhà kính

Phân loại các phạm vi phát thải khí nhà kính

Phát thải khí nhà kính được chia thành 2 phạm vi:

  • Phạm vi 1: phát thải trực tiếp: là những phát thải trực tiếp từ hoạt động của cơ quan, tổ chức như phát thải do tiêu thụ nhiên liệu ở lò đốt, ống khói hay sử dụng phương tiện, thiết bị thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức đó.
  • Phạm vi 2: phạm vi phát thải gián tiếp:
    • Một là loại phát thải của cơ quan, tổ chức từ việc sử dụng điện năng mua từ các nhà cung cấp điện. Loại phát thải này phát sinh ở nơi sản xuất điện.
    • Hai là tất cả các loại phát thải gián tiếp khác của cơ quan, tổ chức, là hệ quả của các hoạt động của cơ quan, tổ chức đó như: sử dụng các vật liệu mua về, sử dụng các phương tiện giao thông công cộng…

Ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính đến môi trường

  • Thay đổi khí hậu: khí nhà kính gây ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ của Trái Đất. Từ đó, dẫn đến việc xuất hiện thường xuyên các hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và bão…
  • Băng tan: Nhiệt độ Trái Đất nóng lên là nguyên nhân gây nên hiện tượng băng tan, làm mực nước biển có thể dâng cao đến 1,5m, nhấn chìm vùng ven biển, đất thấp. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong nơi bị ảnh hưởng của băng tan.
  • Ảnh hưởng đến con người: con người trực tiếp ảnh hưởng những biến đổi từ thiên nhiên, hứng chịu mọi thiên tai về thời tiết, gặp khó khăn trong việc sản xuất.
  • Sinh vật khác: Việc thay đổi khí hậu, thiên tai ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng. Điều này ảnh hưởng lớn đến trồng trọt và chăn nuôi, làm giảm năng suất và chất lượng.
Phát thải khí nhà kính tác động xấu đến môi trường
Phát thải tác động xấu đến môi trường

Các nguồn phát thải khí nhà kính

Các nguồn phát thải chủ yếu:

Chăn nuôi

Đây là lĩnh vực phát thải đáng chú ý trong thời gian gần đây. Phát thải từ chăn nuôi gồm hai nguồn chính: khí metan từ dạ cỏ của động vật nhai lại và N2O từ phân động vật… có tiềm năng gây nóng lên toàn cầu. Ở Việt Nam, lượng phát thải trong chăn nuôi đóng góp khoảng 19% tổng lượng phát thải của ngành Nông nghiệp.

Năng lượng

Đây là một trong những nguồn phát thải lớn nhất hiện nay. Lĩnh vực năng lượng có trên 90% lượng CO2 và 75% lượng khí thải khác. Phát thải trong lĩnh vực năng lượng chia thành 3 nhóm:

  • Phát thải do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch: trong các ngành công nghiệp năng lượng, hoạt động giao thông vận tải…
  • Phát thải tức thời: lượng khí, hơi thải ra từ các thiết bị nén do rò rỉ, không mong muốn hoặc không thường xuyên từ quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển nhiên liệu…
  • Hoạt động thu hồi và lưu trữ cacbon

Trong đó, phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch đóng góp đến 70% tổng lượng phát thải, chủ yếu là từ các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu.

Quy trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU)

Phát thải từ lĩnh vực IPPU phát sinh trong các quá trình xử lý công nghiệp. Việc sử dụng khí nhà kính trong các sản phẩm và sử dụng cacbon trong các nhiên liệu hóa thạch không nhằm mục đích sản xuất năng lượng. Trong đó, nguồn phát thải chính là các quy trình công nghiệp xử lý nguyên liệu về mặt hóa học hoặc vật lý. Bởi ở các quy trình này, nhiều loại khí nhà kính đã được tạo ra: CO2, CH4, N2O, HFCs và PFCs

Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất

Các nguồn chủ yếu gây ra phát thải bao gồm: phát thải CH4 và N2O từ chăn nuôi, trồng lúa nước, đất canh tác nông nghiệp, hoạt động đốt trong sản xuất nông nghiệp; phát thải/hấp thụ CO2 trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất. Lĩnh vực này đóng góp khoảng 30% lượng phát thải toàn cầu, chủ yếu do CO2 phát thải từ những thay đổi trong sử dụng đất và CH4, N2O từ trồng trọt và chăn nuôi gia súc.

Các nguồn phát thải
Các nguồn phát thải

Chất thải

Các loại khí nhà kính có thể phát sinh trong lĩnh vực chất thải gồm: CO2, CH4 và N2O. Các nguồn phát sinh chính được ghi nhận là: chôn lấp chất thải rắn; xử lý sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt chất thải; xử lý và xả nước thải.

Các ngành kinh tế ngày càng tăng trưởng dẫn đến lượng phát thải khí nhà kính cũng tăng nhanh ở tất cả các lĩnh vực. Nhận thức được tầm quan trọng của giảm phát thải, Việt Nam đã ủng hộ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và chủ động tham gia các thỏa thuận pháp lý liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Đồng thời cũng đưa ra những mục tiêu giảm phát thải.

Việc tăng cường trồng nhiều cây xanh, tái sử dụng các chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… là một số biện pháp cần được tiến hành kịp thời để giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện nay, chính phủ nhà nước đã xác định rõ điểm hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện dùng nhiên liệu. Đồng thời, cũng thấy được những tác động tiêu cực do phát thải khí nhà kính gây nên. Vì vậy việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính là mục tiêu trước mắt, hướng đến sự phát triển bền vững nền kinh tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *