Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam: Những yêu cầu và nguyên tắc cần biết

5/5 - (1 bình chọn)

Nông nghiệp hữu cơ là phương pháp sản xuất an toàn và thân thiện với môi trường đã trở thành xu hướng ưa chuộng ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tiến hành nghiên cứu, biên soạn và công bố bộ tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041:2017) dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Dưới đây là những thông tin về yêu cầu, quy tắc hoạt động của tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam mà doanh nghiệp cần nắm rõ.

Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là gì?

Nắm được tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm tốt, có giá trị cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Vậy tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là gì? Đâu là đối tượng áp dụng? Theo dõi thông tin dưới đây.

Định nghĩa

Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là bộ tiêu chuẩn bao gồm những nguyên tắc và yêu cầu cơ bản dành riêng cho việc sản xuất nông nghiệp và các quy định về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Tiêu chuẩn do Bộ khoa học và Công nghệ nghiên cứu, biên soạn và chính thức công bố vào năm 2017. Bộ tiêu chuẩn này dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chúng bao gồm các phần dưới đây:

  • TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
  • TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ
  • TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ

Ngoài ra, còn có TCVN 1213-4:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ.

Để được cấp chứng nhận hữu cơ Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định đề ra. Sau quá trình đánh giá, chứng nhận, sản phẩm khi đạt yêu cầu sẽ được phép sử dụng tem dán có biểu tượng hữu cơ. Thông qua tem dán này người tiêu dùng có thể nhận biết được đâu là những sản phẩm hữu cơ an toàn, chất lượng.

tieu chuan huu co Viet Nam 1
Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam là bộ tiêu chuẩn dành riêng cho sản xuất nông nghiệp và các quy định về ghi nhãn sản phẩm hữu cơ

Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam

Các tiêu chuẩn trên áp dụng cho các đối tượng như:

  • Các doanh nghiệp sản xuất cung cấp nông sản
  • Doanh nghiệp thu hái và phân phối nông sản
  • Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với canh tác thủy canh và khí canh
  • Các doanh nghiệp chăn nuôi, cung cấp các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ

TCVN 11041-1:2017 – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

TCVN 11041-1:2017 là những yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, nông nghiệp hữu cơ theo phương thức này cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu về độ lâu dài, bền vững, theo hướng sinh thái và có tính hệ thống. Dưới đây là thông tin cụ thể về tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 mà doanh nghiệp cần nắm rõ.

Năm công bố

TCVN 11041-1:2017 được công bố vào năm 2017

Phạm vi áp dụng của TCVN 11041-1:2017

Tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 áp dụng cho nhiều giai đoạn trong quy trình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, đặt ra các quy định chung liên quan đến việc sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển sản phẩm hữu cơ. Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các sản phẩm từ các quá trình sản xuất hữu cơ, khi chúng được sử dụng làm thực phẩm hoặc thức ăn cho động vật chăn nuôi.

Nguyên tắc hoạt động của TCVN 11041-1:2017

TCVN 11041-1:2017 hoạt động dựa trên 4 nguyên tắc là:

  • Nguyên tắc sức khỏe: Nông nghiệp hữu cơ cần nâng cao sức khỏe của đất, thực vật, động vật.
  • Nguyên tắc sinh thái: Cần dựa trên các hệ sinh thái sống và các chu trình tự nhiên vận hành phù hợp với chúng, tuân thủ các quy tắc của chúng và giúp bảo vệ tính toàn vẹn và hài hòa của chúng.
  • Nguyên tắc công bằng: Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên các mối quan hệ đảm bảo tính công bằng đối với môi trường chung và đảm bảo cơ hội sống cho mọi sinh vật.
  • Nguyên tắc cẩn trọng: Nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý một cách cẩn trọng và có trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của các thế hệ hiện tại, tương lai của môi trường.

Các yêu cầu của TCVN 11041-1:2017

Doanh nghiệp muốn đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 cần đáp ứng các yêu cầu đặt ra về quá trình sản xuất như: Khu vực sản xuất phải được khoanh vùng tách biệt, thực hiện giai đoạn chuyển đổi hữu cơ tuân thủ các yêu cầu cụ thể, cần phải duy trì sản xuất hữu cơ liên tục, không được tự ý chuyển đổi qua lại giữa khu vực không sản xuất hữu cơ và khu vực sản xuất hưu cơ. Có biện pháp bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học, không thực hiện các hoạt động có tác động tiêu cực đến khu bảo tồn đã được công nhận. Doanh nghiệp phải kiểm soát được ô nhiễm, hạn chế tối đa các hóa chất độc hại và không sử dụng công nghệ có hại cho sản xuất hữu cơ.

Nắm được các yêu cầu về sơ chế, chế biến, thành phần cấu tạo của sản phẩm, cách thức kiểm soát sinh vật gây hại. Các yêu cầu vệ sinh đối với quy trình chế biến, cách thức bao gói, quy định ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển. Cơ sở sản xuất phải thiết lập cơ sở sản xuất hữu cơ đối với hoạt động sơ chế, sản xuất, chế biến. Đồng thời, ghi chép lại hồ sơ truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.

tieu chuan huu co Viet Nam 2
Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam hướng đến các nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, môi trường, công bằng

TCVN 11041-2:2017 – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ

TCVN 11041-2:2017 là các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ, doanh nghiệp muốn sản phẩm của mình đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ Việt Nam cần nắm rõ một số yêu cầu sau:

Năm công bố

TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ được công bố năm 2017

Phạm vi áp dụng

  • Quy định các yêu cầu đối với trồng trọt hữu cơ, bao gồm cả việc thu hái tự nhiên.
  • Không áp dụng với canh tác thủy canh và khí canh.
  • Tiêu chuẩn này áp dụng đồng thời với TCVN 11041-12017.

Nguyên tắc áp dụng

TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ hoạt động cần tuân thủ nguyên tắc chung của điều 4 của TCVN 1104 -1:2017 và các nguyên tắc cụ thể như sau:

  • Duy trì và tăng cường độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và độ tơi xốp của đất, chống xói mòn đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu thông qua hệ sinh thái đất.
  • Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp.
  • Tái chế chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt.
  • Đảm bảo tính cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất.
  • Duy trì sức khỏe của cây trồng bằng các biện pháp phòng ngừa.

Các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017

Với tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017 doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về trồng trọt đảm bảo tính hữu cơ như:

Khu vực sản xuất trồng trọt phải được khoanh vùng và có vùng đệm. Chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cần có giai đoạn chuyển đổi phù hợp với cây hàng năm và cây lâu năm. Duy trì sản xuất hữu cơ một cách liên tục, không được chuyển đổi qua lại giữa khu vực sản xuất hữu cơ và khu vực không hữu cơ. Sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ phải có sự tách biệt rõ ràng.

Doanh nghiệp cần quản lý hệ sinh thái và đa dạng sinh học để đảm bảo không thực hiện các hoạt động có tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn đã được cơ quan thẩm quyền công nhận. Lựa chọn loài và giống cây trồng đưa vào sản xuất có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái của địa phương, không sử dụng hạt giống và vật liệu nhân giống từ cây trồng biến đổi gen.

Có biện pháp quản lý đất, nước và quy cách sử dụng phân bón phù hợp. Có biện pháp ngăn ngừa vệ sinh loại bỏ mầm bệnh, kiểm soát được ô nhiễm. Có kế hoạch sản xuất hữu cơ và ghi chép đầy đủ hồ sơ để truy xuất nguồn gốc.

tieu chuan huu co Viet Nam 4
Tiêu chuẩn hữu cơ đề ra các yêu cầu về chăn nuôi hữu cơ, giết mổ sơ chế, bảo quản vận chuyển

TCVN 11041-3:2017 – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ

TCVN 11041-3:2017 là các quy định về chăn nuôi hữu cơ. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam về chăn nuôi doanh nghiệp cần đáp ứng các nguyên tắc và yêu cầu gì? Dưới đây là chia sẻ cụ thể:

Năm công bố

TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ được công bố năm 2017

Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng với các yêu cầu về chăn nuôi và áp dụng đồng thời với TCVN 11041-1:2017

Nguyên tắc áp dụng

Tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ tuân thủ các nguyên tắc chung theo điều 4 của TCVN 11041-1:2017 và có bổ sung thêm các nguyên tắc sau:

  • Đảm bảo độ phì của đất tự nhiên, chống xói mòn đất.
  • Giảm thiểu việc sử dụng các nguồn vật tư nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp.
  • Ưu tiên tái chế các chất thải và phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi.
  • Sử dụng phương thức chăn nuôi phù hợp với khu vực chăn nuôi, lựa chọn giống phù hợp, áp dụng các biện pháp chăn nuôi khoa học.
  • Sử dụng thức ăn chăn nuôi hữu cơ.

Các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ

Theo tiêu chuẩn TCVN 11041-3:2017 doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về chăn nuôi hữu cơ, giết mổ sơ chế, bảo quản vận chuyển, kế hoạch sản xuất hữu cơ, và có quá trình ghi chép lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Với yêu cầu về chăn nuôi hữu cơ, doanh nghiệp cần xây dựng khu vực sản xuất tuân thủ quy định, có quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ phù hợp, lựa chọn giống và vật nuôi phù hợp với môi trường địa phương. Lựa chọn thức ăn ăn chăn nuôi phù hợp. Có biện pháp quản lý sức khỏe vật nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi, chất thải theo quy định.

tieu chuan huu co Viet Nam 5
Đáp ứng các yêu cầu về chăn nuôi như thức ăn, con giống, sức khỏe vật nuôi…

Lợi ích khi doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam

Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia. Áp dụng TCVN 11041 nông nghiệp hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và xã hội.

Lợi ích với doanh nghiệp

Doanh nghiệp tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ đề ra sẽ đạt được những sản phẩm có giá trị, chất lượng hơn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

  • Sản phẩm khi dán tem nhãn hữu cơ sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng, bán với giá thành tốt hơn và xây dựng được thương hiệu riêng.
  • Sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị và có tính cạnh tranh cao hơn.
  • Tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng hoặc đối tác với sản phẩm của mình.
  • Là tiền đề để đưa sản phẩm của mình ra các thị trường quốc tế.
  • Với hình thức canh tác này người lao động sẽ không phải chịu ảnh hưởng từ những hóa chất hóa chất độc hại.

Lợi ích với người tiêu dùng

  • Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là phương thức canh tác không sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, không sử dụng các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Vì thế sản phẩm tạo ra an toàn, sạch sẽ, màu sắc tự nhiên, có lợi cho sức khỏe người sử dụng.

Lợi ích đối với môi trường

  • Canh tác theo hướng hữu cơ giúp cải thiện và phục hồi sức khỏe của đất bởi phương thức này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất. Đồng thời giảm thiểu xói mòn đất và biến đổi khí hậu.
  • Sản xuất theo phương thức hữu cơ giúp ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước từ các trang trại phi nông nghiệp như thuốc trừ sâu, phân bón hóa học độc hại.
  • Giúp cải thiện điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường sống tự nhiên đồng thời khuyến khích chim và các động vật ăn thịt tự nhiên sống an toàn trên đất nông nghiệp.

Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng khi vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm được đề cao. Doanh nghiệp muốn sản phẩm của mình đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam, cần hiểu rõ các yêu cầu và nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 11041:2017. Đồng thời liên hệ SUTECH để được tư vấn cụ thể về tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *