MRL là gì? Quy định về MRL của một số quốc gia như thế nào?

5/5 - (1 bình chọn)

MRL là một khái niệm quan trọng trong quy trình kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh thương mại quốc tế, hiểu về MRL là chìa khóa để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu mà thị trường quốc tế đặt ra. Để hiểu MRL là gì cũng như quy định về MRL của một số quốc gia, mời bạn cùng tham khảo nội dung dưới đây.

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật MRL là gì?

MRL là gì? Nếu không tuân thủ MRL có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe như thế nào? Để hiểu rõ hơn về khái niệm này và đảm bảo an toàn thực phẩm, dưới đây là những chia sẻ cụ thể.

Khái niệm

MRL là viết tắt của Maximum Residue Level là giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng hợp pháp đối với hàng hoá thực phẩm do Codex (CXL) hoặc cơ quan quản lý tại quốc gia nhập khẩu quy định và được biểu thị bằng đơn vị mg/kg trọng lượng sản phẩm.

Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là các chất tồn dư trong thực phẩm do sử dụng một loại thuốc bảo vệ thực vật. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có thể đến từ việc sử dụng hóa chất hoặc môi trường. Các hóa chất này thường coi là độc tính ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu như vượt ngưỡng cho phép.

mrl là gì 1
MRL là giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không gây hại cho con người.

Mục đích của việc thiết lập MRL là gì?

Việc thiết lập MRL có mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng như:

  • Ngăn chặn sự tích tụ quá mức của các chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
  • Giúp đảm bảo các sản phẩm nông sản được tiêu thụ trên thị trường nội địa hoặc xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hạn chế lạm dụng và giảm thiểu rủi ro từ sự tích tụ quá mức.
  • Thiết lập MRL góp phần hạn chế việc doanh nghiệp sản xuất sử dụng quá mức chất bảo vệ thực vật.
  • Quy định MRL của mỗi quốc gia còn là căn cứ để nước xuất khẩu thực hiện thương mại một cách minh bạch và công bằng.

Những tác hại khi thực phẩm vượt quá mức MRL cho phép

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trong thực phẩm có tác động trực tiếp đối sức khỏe cộng đồng và môi trường. Do đó, khi MRL trong thực phẩm vượt quá mức cho phép có thể tích tụ trong cơ thể con người qua thức ăn và tác động tiêu cực đến sức khỏe như: ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của con người, gây ra các vấn đề như đau bụng, tiêu chảy, hoặc khó chịu trong dạ dày.

Ngoài ra, các chất bảo vệ thực vật tích tụ trong môi trường có thể gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, bao gồm cả thực vật, động vật và vi khuẩn. Những người lao động tiếp xúc trực tiếp với hóa chất có thể đối mặt với nguy cơ cao về bệnh tật cao hơn.

mrl là gì 2
MRL trong thực phẩm vượt quá mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người

Quy định về MRL trong thực phẩm của Việt Nam

MRL trong quy định thực phẩm của Việt Nam như thế nào, đặc biệt là đối với các loại rau củ quả?

Để nắm rõ quy định này, doanh nghiệp có thể tham khảo thông tin tại thông tư 50/2016/TT-BYT đã quy định rõ về dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật. Tại phần phụ lục kèm theo có đến hơn 200 loại thuốc bảo vệ thực vật cùng mức tồn dư như:

  • Hoạt chất 2,4-D có lượng tồn dư trong các loại quả mọng và quả nhỏ khác là 0,1mg/kg, tồn dư trong trứng là 0,01mg/kg.
  • Hoạt chất 2-Phenylphenol tồn dư trong nước ép cam là 0,5mg/kg.
  • Hoạt chất Abamectin tồn dư trong táo là 0,2mg/kg

Tại thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT cũng đã quy định rõ Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam trong phần Phụ lục kèm theo như: Thuốc trừ sâu: 712 hoạt chất với sửa lại số tên thương phẩm, thuốc trừ bệnh: 683 hoạt chất với sửa lại tên thương phẩm, thuốc trừ có: 260 hoạt chất với sửa lại tên thương phẩm…

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam trong Phụ lục II ban hành kèm theo như thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất, thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất, thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất, thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

mrl là gì 3
Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, doanh nghiệp cần nắm được các quy định về MRL

Quy định về mức MRL của Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc có quy định về mức dư lượng tối đa (MRL) trong thực phẩm. Các quy định này thường được quản lý bởi Tổng Cục An toàn Thực phẩm và được cập nhật hai năm một lần, các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các MRL mới. Cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm Giám sát và Thực thi MRL là Tổng cục Hải quan (GACC).

Các quy định về dự lượng thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc được quy định trong tiêu chuẩn GB2763-2019 và cập nhật mới nhất là GB 2763-2021. Tại tiêu chuẩn này, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. Số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn GB 2763-2021 tăng 81 loại (tăng 16,7%), giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại (tăng 42%) so với tiêu chuẩn cũ.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản tiềm năng của Việt Nam nhưng với nhiều quy định đặt ra trong nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải cập nhật nhanh chóng quy định về giới hạn lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên từng sản phẩm. Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của quốc gia này.

Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu chính ngạch các loại hoa quả của Việt Nam như xoài, thanh long, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, sầu riêng, nhãn… doanh nghiệp cần nắm được MRL của những loại quả này để có thể thuận lợi xuất khẩu hàng hóa. Trường hợp xuất khẩu bị phát hiện vượt quá mức MRL sẽ bị từ chối và tăng cường giám sát đối với các lô hàng tiếp theo.

mrl là gì 4
Trung Quốc đưa ra nhiều quy định về MRL, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật để không bị vi phạm chính sách

Quy định về mức MRL của EU

Để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng trong nước, Ủy ban châu Âu EU cũng ban hành Quy định liên quan đến mức dư lượng tối đa MRL. Cụ thể quy định này áp dụng chủ yếu cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm như rau, củ, quả tươi và đông lạnh, nhóm các loại hạt, điều cà phê…

Quy định mức dư lượng tối đa MRL của EU được thống nhất áp dụng chung cho các nước thành viên EU với nhiều yêu cầu khắt khe. Theo đó, EU đặt ra một loạt các danh sách thuốc bảo vệ được phép áp dụng và mức tồn dư tối đa được phép trên thực phẩm. Đối với danh mục thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong danh sách được phép sử dụng, EU quy định mức MRL cực thấp nhỏ hơn 0,01mg/kg. Tuy nhiên, cũng có một số hoạt chất từ 0,05 mg/kg, 0,07 thậm chí 1,5 mg/kg trong các nhóm sản phẩm như rau, củ rau gia vị.

mrl là gì 6
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU cần tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt

Hiện tại, EU cũng thường xuyên thay đổi về mức dư lượng được phép trên thực phẩm. Để không bị vi phạm chính sách của nước nhập khẩu, doanh nghiệp có thể tham khảo tại Quy định (EU) số 2022/741 về kiểm soát mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa. Và mới đây nhất vào tháng 3 năm 2023, Ủy ban Châu Âu ban hành Quy định mới số 2023/466 sửa đổi Phụ lục II, III và V của Quy định (EC) số 396/2005 liên quan đến mức dư lượng tối đa MRL.

Theo các quy định này, sản phẩm muốn xuất khẩu vào các nước EU sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu được nêu trong quy định. Ngoài việc hàng hóa kiểm tra tại cửa khẩu, EU sẽ còn lấy ngẫu nhiên hàng hóa tại các siêu thị để kiểm tra. Nếu có dấu hiệu vi phạm, các cơ quan hữu quan sẽ đến kho hàng nhập khẩu để tiếp tục kiểm tra và đưa ra quyết định xử lý.

Quy định MRL đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với hoạt động xuất khẩu. Doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định MRL của các quốc gia khi sản xuất và xuất khẩu nông sản, nhằm đảm bảo rằng sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của các quốc gia nhập khẩu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *