Mã số vùng trồng là gì? Quy định cấp mã và công tác quản lý mã số vùng trồng hiện nay

5/5 - (1 bình chọn)

Mã số vùng trồng hiện được xem như “tấm vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu quốc tế. Vậy mã số vùng trồng là gì? Vùng trồng được xem xét cấp mã số phải đảm bảo nguyên tắc nào? Quá trình tra cứu ra sao? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm câu trả lời.

Mã số vùng trồng là gì? Cấu trúc của mã số vùng trồng?

Trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, mã số vùng trồng không còn là một khái niệm xa lạ. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu mã số vùng trồng là gì? Cấu trúc của một mã vùng trồng gồm yếu tố nào?

Mã số vùng trồng là gì?

“Vùng trồng (Place of Production): Là một vùng sản xuất chủ yếu một loại cây trồng, có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm sản xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu”

“Mã số vùng trồng (Mã số đơn vị sản xuất) có tên Tiếng Anh là PUC – Production Unit Code (PUC) là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản”. (Theo tiểu mục 3.2 Mục 3 Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV ban hành kèm theo Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH)
Cấu trúc của mã số vùng trồng
Mã số vùng trồng có dạng: VN-Mã tỉnh/Tp.-Quận/huyện-Phường/xã-cơ sở sản xuất-Năm cấp

Trong đó:

  • VN – Mã quốc gia
  • Mã tỉnh/Tp
  • Mã quận, huyện
  • Mã phường, xã
  • Cơ sở sản xuất
  • Năm cấp

Ví dụ: VN-66-650-24370-94-21 (Việt Nam-Đắk Lắk: 66-Krông Năng: 650-Ea Tân: 24370-số cơ sở cấp: 94-năm cấp: 2021)

Theo quy định của Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ: Mã tỉnh/Tp., quận/huyện, phường/xã sử dụng mã số các đơn vị hành chính. Tỉnh/Tp., quận/huyện, phường/xã xác định theo địa chỉ vùng trồng của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số. Năm cấp lấy hai số cuối của năm cấp mã số vùng trồng.

Mã số vùng trồng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất
Mã số vùng trồng đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất

Quy định cấp mã số vùng trồng xuất khẩu

Vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số cần tuân thủ theo một số quy định của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và nước nhập khẩu. Dưới đây là một số yêu cầu cụ thể.

Cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp mã số vùng trồng

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh/thành phố: Thực hiện và chịu trách nhiệm toàn bộ việc thiết lập, kiểm tra, cấp mã số đối với các vùng trồng.
Cục Bảo vệ thực vật: Cung cấp các thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm để các địa phương có nhu cầu xuất khẩu. Tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số.

Yêu cầu thiết lập vùng trồng xuất khẩu

Ngày 30/11/2020, Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) đã có Quyết định 2481/QĐ-BVTV-KH ban hành tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng như sau:
Yêu cầu về diện tích vùng trồng: Diện tích vùng trồng cây ăn quả tối thiểu 10 ha/mã. Vùng trồng gia vị và các vùng trồng khác theo yêu cầu của nước nhập khẩu

Yêu cầu cầu về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định mà nước nhập khẩu đề ra. Các loại thuốc khác cũng tuân thủ theo đúng quy trình của cơ quan quản lý chuyên ngành Trung ương và địa phương. Thuốc bảo vệ thực vật phải có trong danh mục cho phép sử dụng và phải được xác nhận của Chi cục Trồng trọt và BVTV địa phương.

Yêu cầu về quản lý sinh vật gây hại: Cần quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trong thường hợp phát hiện sinh vật gây hại, cần có biện pháp xử lý cho từng sinh vật gây hại và phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Yêu cầu nhật ký canh tác: Vùng trồng cần phải ghi chép nhật ký cho từng giai đoạn như: Giai đoạn phát triển của cây trồng, nhật ký bón phân, nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Yêu cầu thiết lập vùng trồng xuất khẩu cần đáp ứng một số yêu cầu về diện tích, nhật ký canh tác...
Yêu cầu thiết lập vùng trồng xuất khẩu cần đáp ứng một số yêu cầu về diện tích, nhật ký canh tác…

Các bước đăng ký cấp mã số vùng trồng

Bước 1: Doanh nghiệp làm đơn đăng ký cấp mã số vùng trồng
Đơn đăng ký bao gồm tờ khai về thông tin diện tích vùng trồng, tên giống, tuổi cây (năm trồng), định vị vườn trồng, số hộ nông dân trong vùng sản xuất và người đại diện vùng trồng. Nhật ký sản xuất và giấy cam kết thu mua trái cây tươi của các hộ nông dân. Giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

Bước 2: Đánh giá vùng trồng
Chi Cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (gọi tắt là đơn vị kiểm tra) nhận được hồ sơ nộp lên, sẽ tiến hành xem xét, rà soát tài liệu. Nếu tài liệu cần thiết đã được đáp ứng, đơn vị kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra, khảo sát vùng trồng xin cấp mã.

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu làm căn cứ cấp mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân đề nghị. Việc kiểm tra đánh giá thực địa sẽ bao gồm các hoạt động: khảo sát vùng trồng và lấy mẫu kiểm tra thành phần sinh vật gây hại.

Bước 3: Kết quả kiểm tra vùng trồng
Đơn vị kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa tại vùng trồng. Trường hợp vùng trồng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, đơn vị kiểm tra sẽ chỉ đạo các biện pháp khắc phục cho vùng trồng. Sau khi hoàn thành, đơn vị kiểm tra gửi Cục Bảo vệ thực vật Báo cáo kiểm tra vùng trồng đăng ký cấp mã số.

Bước 4: Phê duyệt mã số vùng trồng
Nhận được hồ sơ đề nghị cấp mã từ đơn vị kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thẩm định và cấp mã số cho vùng trồng đạt yêu cầu. Đồng thời, gửi mã số đã cấp sang Cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu.
Nước nhập khẩu phê duyệt, Cục Bảo vệ thực vật sẽ gửi thông báo cho Chi Cục bảo vệ thực vật hoặc Chi Cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật tỉnh để chủ động quản lý vùng trồng cấp mã.

Doanh nghiệp, hợp tác xã đang gặp khó khăn trong quá trình đăng ký mã số vùng trồng? Doanh nghiệp không nắm bắt được thủ tục, quy định và khó khăn trong quá trình chuẩn bị, xử lý hồ sơ giấy tờ? Vui lòng liên hệ SUTECH ngay hôm nay để được tư vấn mã số vùng trồng chi tiết, trọn gói và chuyên nghiệp! 

 Hotline HN: 0868 129 838 – Hotline HCM:  0868 221 838

Quản lý mã số vùng trồng

Vùng trồng sau khi cấp mã số cần phải có cách quản lý hiệu quả để duy trì và không bị thu hồi mã. Dưới đây là một số quy định về giám sát, thu hồi và hủy mã số vùng trồng.

Giám sát vùng trồng

Các loại hình kiểm tra giám sát: Giám sát vùng trồng sẽ có các loại hình kiểm tra như tự giám sát, giám sát định kỳ và kiểm tra đột xuất. Trong đó:

  • Tự giám sát sẽ do đơn vị được cấp mã thực hiện, đơn vị phải thường xuyên tự giám sát và duy trì tình trạng quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
  • Giám sát định kỳ sẽ do Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt tỉnh thực hiện.
  • Kiểm tra đột xuất do Cục bảo vệ thực vật thực hiện khi phát sinh của sinh vật gây hại hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu

Kế hoạch giám sát: Kế hoạch giám sát định kỳ vùng trồng tùy thuộc vào loại cây trồng và thị trường tiêu thụ sản phẩm cây trồng. Tần suất giám sát tối thiểu 1 lần một vụ có thể nhiều hơn tùy thuộc vào từng loại cây trồng, nhóm sinh vật gây hại. Ngoài ra cũng có kiểm tra đột xuất do Cục Bảo vệ thực vật thực hiện kiểm tra theo yêu cầu của công tác quản lý.

Nội dung giám sát các mã số vùng trồng đã cấp: Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra tính tuân thủ của vùng trồng về các tiêu chí như:

  • Thông tin vùng trồng: Diện tích vùng trồng bao nhiêu? Số hộ trong vùng trồng, tuổi cây, các giai đoạn sinh trưởng, sản lượng dự kiến và khoảng thời gian thu hoạch dự kiến của vùng trồng?
  • Giống cây: Vùng trồng sử dụng loại giống cây trồng nào?
  • Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Thuốc bảo vệ thực vật cho vùng trồng có nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cho phép sử dụng của Việt Nam và nước nhập khẩu không? Liệt kê tên các loại thuốc bảo vệ thực vật đang sử dụng trong thời gian kiểm tra.
  • Ghi chép thông tin: Vùng trồng có ghi chép đầy đủ thông tin theo yêu cầu hay không? Đã có nhật ký vùng trồng chưa?
  • Thành phần và mật độ vi sinh vật gây hại đã phát hiện: Vùng trồng có xuất hiện thành phần vi sinh vật gây hại hay không? Liệt kê những loại vi sinh vật gây hại và mật độ. Biện pháp quản lý sinh vật gây hại của vùng trồng đang áp dụng là gì?
  • Điều kiện canh tác: Vùng trồng có đang áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietG.A.P, GlobalG.A.P hay không? Quá trình dọn dẹp cỏ dại, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã đúng theo quy định chưa?
  • Một số nội dung khác: Vùng trồng có đang triển khai các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không? Hoặc một số yêu cầu khác của nước nhập khẩu?
  • Báo cáo kết quả giám sát: Đơn vị có nhiệm vụ giám sát sẽ theo dõi và hoàn thành Biên bản giám sát gửi lên Cục Bảo vệ thực vật. Thời gian làm báo cáo giám sát sẽ thực hiện trước vụ xuất khẩu hoặc theo quy định của nước nhập khẩu.
Để duy trì vùng trồng cấp mã cần có biện pháp quản lý cụ thể
Để duy trì vùng trồng cấp mã cần có biện pháp quản lý cụ thể

Quy định vùng trồng đã cấp mã số

Các quy định đối với vùng trồng đã được cấp mã số:

  • Cá nhân tổ chức thường xuyên cập nhật các thông tin quy định mới về quản lý mã số vùng trồng và duy trì tình trạng đáp ứng quy định.
  • Tự theo dõi, ghi chép đầy đủ các tác động lên cây trồng để làm căn cứ giám sát.
  • Có kế hoạch kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu theo quy định của các nước nhập khẩu.
  • Trường hợp thay đổi về diện tích, giống cây, người đại diện, số hộ nông dân tham gia, cần thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.
  • Tổ chức cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, giám sát vùng trồng.

Các trường hợp thu hồi và hủy mã số:

  • Mã số vùng trồng sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
  • Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông báo vi phạm của cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu về vùng trồng đã được cấp mã.
  • Cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu phát hiện sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu hoặc nhận thấy có gian lận về việc sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp.
  • Mã số vùng trồng không đăng ký giám sát trước mỗi vụ xuất khẩu.
  • Không đáp ứng yêu cầu tại thời điểm giám sát định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất. Kết quả giám sát có các thông tin không đúng theo thông tin đã cung cấp.
  • Vùng trồng sẽ bị thu hồi mã khi không ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc theo quy định yêu cầu.
  • Chỉ khi cơ sở sản xuất có biện pháp khắc phục và được Cơ quan cấp mã số vùng trồng chấp nhận biện pháp khắc phục đó mới được phục hồi mã.

Mã số vùng trồng sẽ bị hủy mã số trong các trường hợp sau:

  • Cơ sở không có biện pháp khắc phục hiệu quả khi bị đình chỉ sử dụng mã số tròng thời gian 30 ngày.
  • Vùng trồng đã được cấp mã số chuyển đổi loại cây trồng hoặc mục đích sử dụng so với đăng ký ban đầu.
  • Khi hậu kiểm tra, vùng trồng không đáp ứng các yêu cầu theo quy định đối với trường hợp phải kiểm tra thực tế tại vùng trồng đăng ký khi cấp mã số vùng trồng quy định.
  • Theo đề nghị của cơ sở về việc không sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp.
  • Sử dụng mã số vùng trồng đã được cấp cho các sản phẩm không thuộc đối tượng cây trồng đăng ký.

Quy định mới về quản lý mã vùng trồng

Theo Bộ NN-PTNT, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu sẽ được điều chỉnh theo hướng phân cấp cho các địa phương.

  • Cục Bảo vệ thực vật sẽ ủy quyền cho địa phương thực hiện luôn việc cấp mã số đối với các vùng trồng. Cơ quan chuyên môn địa phương thực hiện giám sát định kỳ các vùng trồng đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu. Chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số. Bố trí nguồn lực để thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng.
  • Cơ quan chuyên môn địa phương có trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về quy định, để bảo đảm thực hiện đúng các yêu cầu của nước nhập khẩu.
  • Về phía Cục Bảo vệ thực vật có trách nhiệm cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đến các địa phương. Tổng hợp danh sách các mã số vùng trồng theo đề nghị từ các địa phương, thực hiện đàm phán để được nước nhập khẩu phê duyệt, cấp mã số.

Tra cứu mã số vùng trồng

Các vùng trồng được cấp mã số sẽ được Chi cục Bảo vệ thực vật cập nhật danh sách ở trang Web:
https://www.ppd.gov.vn/quan-ly-ma-so-vung-trong—co-so-dong-goi.html.
Vì vậy, để tra cứu mã số vùng trồng đã được cấp mã, doanh nghiệp truy cập vào trang web của chi cục Bảo vệ thực vật sẽ ra danh sách vùng trồng.

Tình hình quản lý mã số vùng trồng

Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phân cấp cho các địa phương quản lý mã số vùng trồng nhưng trên thực tế không phải địa phương nào cũng thực hiện tốt vẫn còn để xảy ra tình trạng giả mạo hồ sơ đăng ký cấp mã số, đánh tráo, cho thuê, mượn mã, trục lợi mã số… khiến cả nông dân lẫn doanh nghiệp xuất khẩu đối diện với không ít thiệt hại.

Thực tế cho thấy đã có nhiều vùng trồng bị đánh cắp mã số xuất khẩu, nhiều đơn vị thu mua nông sản hoạt động không đúng quy định, trà trộn nông sản từ nhiều vùng trồng có nguồn gốc khác nhau.

Tính đến hiện tại, có đến 370 lô hàng bị cảnh báo đều liên quan đến mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của 13 tỉnh. Nếu như vị phạm nhiều và kéo dài, không có biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đang khai thác. Đây được xem là bất cập trong khâu quản lý, mà chính quyền các địa phương cần có biện pháp giải quyết cụ thể.

Quản lý mã số vùng trồng vẫn còn nhiều hạn chế cần có biện pháp khắc phục và quản lý hiệu quả
Quản lý mã số vùng trồng vẫn còn nhiều hạn chế cần có biện pháp khắc phục và quản lý hiệu quả

Hướng quản lý vùng trồng trong tương lai

Mã số vùng trồng được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín cho nông sản Việt, cũng như lợi ích kinh tế của người nông dân. Vì vậy, cần có một số biện pháp tăng cường quản lý vùng trồng như:

Cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng tại địa phương. Nhận thấy vi phạm cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Cơ quan chức năng cần tổ chức các buổi tập huấn nhận thức, để các doanh nghiệp và người sản xuất chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Nếu vùng trồng có thay đổi thông tin liên quan cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để bảo vệ mã số của mình.

Cần có chính sách khích lệ cho những đơn vị làm tốt như được ưu tiên trong xuất khẩu. Những đơn vị nào chưa tốt sẽ bị thu hồi/tạm dừng mã số xuất khẩu.

Mã số vùng trồng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Vì vậy, để nông sản Việt Nam xuất khẩu được thuận lợi và gia tăng sản lượng, cần có những chính sách và biện pháp quản lý vùng trồng chặt chẽ hơn trong tương lai.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *