Chứng nhận VietGAP: Các thông tin cần biết
Chứng nhận VietGAP ngày càng trở nên quan trọng với doanh nghiệp. Đây là điều kiện để sản phẩm được vào hệ thống siêu thị và nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Doanh nghiệp đang tìm hiểu về chứng nhận VietGAP, theo dõi nội dung dưới đây SUTECH sẽ cung cấp thêm thông tin cho bạn.
Chứng nhận VietGAP là gì?
VietGAP là những quy định về Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Vậy VietGAP áp dụng cho nhóm sản phẩm nào? Các yêu cầu để đạt được chứng nhận VietGAP là gì, theo dõi nội dung dưới đây.
Định nghĩa tổng quát
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT, khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2018/TT-BNNPTNT: Chứng nhận VietGAP là hoạt động đánh giá, xác nhận của tổ chức chứng nhận VietGAP đối với sản phẩm được sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP. Các sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP đồng nghĩa với việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, an toàn lao động, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc.
VietGAP áp dụng cho nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực:
- Trồng trọt
- Chăn nuôi
- Thủy sản
Chứng nhận VietGAP trồng trọt
Chứng nhận VietGAP trồng trọt là hoạt động tổ chức chứng nhận tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm của doanh nghiệp trồng trọt có quy trình sản xuất, sơ chế tuân thủ các yêu cầu VietGAP. Sản phẩm trồng trọt muốn đạt chứng nhận cần đáp ứng các yêu cầu về giống cây trồng, phương pháp canh tác, quy định sử dụng phân bón và thuốc BVTV…
Chứng nhận VietGAP chăn nuôi
Chứng nhận VietGAP chăn nuôi là hoạt động tổ chức chứng nhận tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm của doanh nghiệp chăn nuôi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của VietGAP. Sản phẩm chăn nuôi muốn đạt chứng nhận cần đáp ứng các yêu cầu về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, quy định về sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc thú y, các điều kiện về chuồng trại…
Chứng nhận VietGAP thủy sản
Chứng nhận VietGAP thủy sản là hoạt động tổ chức chứng nhận tiến hành kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận cho các sản phẩm của doanh nghiệp thủy sản đáp ứng các yêu cầu của VietGAP. Để đạt được chứng nhận, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về địa điểm nuôi trồng, giống thủy sản, thức ăn, nguồn nước cấp, vệ sinh môi trường, sức khỏe thủy sản và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Tổ chức chứng nhận VietGAP
Tổ chức chứng nhận VietGAP là bên thứ 3 có năng lực cấp giấy chứng nhận VietGAP cho doanh nghiệp. Để trở thành tổ chức có khả năng đánh giá và cấp giấy chứng nhận, cần đáp ứng điều kiện và trách nhiệm mà cơ quan nhà nước đặt ra. Dưới đây là một số điều kiện và quyền hạn cụ thể của tổ chức chứng nhận.
Tổ chức chứng nhận phải đạt điều kiện nào?
Căn cứ theo thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT: Đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoạt động chứng nhận VietGAP khi có đủ các điều kiện dưới đây:
Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có chức năng, phạm vi hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm, hàng hóa. Phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc TCVN 7457:2004 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC Guide 65:1996 về lĩnh vực đề nghị chỉ định. Về đội ngũ chuyên gia, tổ chức luôn phải đảm bảo có 2 chuyên gia đánh giá cho từng lĩnh vực thuộc biên chế chính thức hoặc lao động ký hợp đồng dài hạn.
Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức chứng nhận VietGAP
Mỗi một tổ chức đánh giá cần có trách nhiệm và quyền hạn cụ thể trong hoạt động chứng nhận VietGAP. Nội dung này được quy định tại Điều 22 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành như sau:
Trách nhiệm của tổ chức chứng nhận
Tổ chức chứng nhận cần thực hiện đánh giá theo đúng quy định, trong quá trình đánh giá chuyên gia phải đeo thẻ. Phải xây dựng được lộ trình chứng nhận và chi phí chứng nhận cho từng sản phẩm cụ thể.
Tổ chức chứng nhận đảm bảo tính khách quan, công bằng với các đơn vị cần cấp chứng nhận. Cần bảo mật thông tin, số liệu cho doanh nghiệp trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Không thực hiện cùng lúc cả dịch vụ tư vấn VietGAP và chứng nhận VietGAP cho cùng một doanh nghiệp đã ký hợp đồng tư vấn hoặc chứng nhận.
Tổ chức chứng nhận sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chứng nhận. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo cho cơ quan nhà nước, thông báo trên Website hoặc phương tiện khác khi khi tiến hành cấp, cấp lại, giám sát, gia hạn, hoặc cảnh báo hoặc hủy bỏ Giấy chứng nhận.
Tổ chức chứng nhận khi có thay đổi về tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức và lãnh đạo, chính sách, thủ tục… cần thông báo cho cơ quan chỉ định trong vòng 15 ngày. Khi muốn bổ sung hoặc mở rộng phạm vi hoạt động của chuyên gia đánh giá cần được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước mới được cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP.
Quyền hạn của tổ chức chứng nhận
Tổ chức chứng nhận có trách nhiệm cấp thẻ chuyên gia đánh giá VietGAP. Có quyền cấp lại, gia hạn, cảnh cáo, đình chỉ hoặc hủy bỏ Giấy chứng nhận của doanh nghiệp theo quy định.
Tổ chức được quyền kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn VietGAP của doanh nghiệp đạt chứng nhận. Được thanh toán chi phí chứng nhận theo hợp đồng thỏa thuận với doanh nghiệp xin cấp chứng nhận.
Một số tổ chức chứng nhận VietGAP tại Việt Nam
Hiện tại, có rất nhiều tổ chức chứng nhận, doanh nghiệp cần chứng nhận sản phẩm có thể tham khảo một số tổ chức uy tín dưới đây.
Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC
IQC là tổ chức chứng nhận độc lập tại Việt Nam, có năng lực chứng nhận các tiêu chuẩn như: VietGAP, Hữu Cơ, GlobalG.A.P…. IQC có quy trình đánh giá bài bản, đội ngũ chuyên gia kinh nghiệm đã chứng nhận thành công cho nhiều doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Công ty CP Chứng Nhận Và Giám Định VinaCert
VinaCert là tổ chức chứng nhận uy tín, cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, VietGAP cho nhiều doanh nghiệp trên phạm vi cả nước. Tổ chức này có đội ngũ chuyên gia đánh giá giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống phòng thử nghiệm tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ sẽ cung cấp kết quả chính xác, minh bạch cho doanh nghiệp.
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3)
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) là tổ chức Khoa học và Công nghệ công lập trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) – Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST). Tổ chức có năng lực đánh giá phân tích, cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế.
Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2
Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 là đơn vị chứng nhận công lập trực thuộc Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Đơn vị có bề dày kinh nghiệm đã thực hiện đánh giá, chứng nhận VietGAP cho nhiều doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Đánh giá chứng nhận VietGAP
Hoạt động đánh giá là yếu tố quan trọng để xem xét doanh nghiệp có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận VietGAP hay không. Hoạt động này sẽ có những quy định cụ thể về hình thức, phương thức và nội dung đánh giá. Tổ chức chứng nhận khi thực hiện đánh giá, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định đề ra. Dưới đây là các yêu cầu cụ thể cho tổ chức chứng nhận theo thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT.
Về hình thức đánh giá
Tổ chức chứng nhận sẽ thực hiện đúng theo quyền hạn, trách nhiệm của mình và phải đảm bảo đủ các hình thức đánh giá khi có yêu cầu đề ra.
- Hoạt động đánh giá lần đầu sẽ diễn ra khi doanh nghiệp ký hợp đồng.
- Đánh giá hành động khắc phục, sẽ diễn ra đối với doanh nghiệp được đánh giá nhưng chưa đủ điều kiện được cấp hoặc duy trì, mở rộng Giấy chứng nhận VietGAP.
- Hình thức đánh giá lại diễn ra khi doanh nghiệp yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đã hết hiệu lực.
- Hình thức đánh giá giám sát được thực hiện sau khi đơn vị được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, hình thức này có thể thực hiện định kỳ có báo trước hoặc diễn ra đột xuất. Số lần đánh giá sẽ do tổ chức chứng nhận quyết định tùy vào hoàn cảnh thực tế.
Trường hợp, doanh nghiệp diễn ra đánh giá đột xuất là do sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo VietGAP không đảm chất lượng an toàn và có khiếu nại về việc doanh nghiệp, cá nhân không tuân thủ VietGAP. Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, sẽ diễn ra hoạt động đánh giá đột xuất. Do đó, doanh nghiệp cần tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn VietGAP, tránh tình trạng bị thu hồi và hủy bỏ mã.
Về phương thức đánh giá
Căn cứ theo Điều 15 của thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT, phương thức đánh giá sản phẩm sản xuất, sơ chế phù hợp VietGAP là phương thức 6: đánh giá quá trình sản xuất, sơ chế, kết hợp thử nghiệm mẫu điển hình. Giám sát thông qua đánh giá quá trình sản xuất, sơ chế, kết hợp với thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất, sơ chế.
Trình tự và nội dung đánh giá của tổ chức chứng nhận
Trình tự và nội dung đánh giá VietGAP của tổ chức chứng nhận được quy định tại Điều 16 Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT như sau:
Bước 1: Tổ chức chứng nhận thực hiện đánh giá quá trình sản xuất VietGAP cho đơn vị đăng ký chứng nhận.
Với mỗi loại sản phẩm sẽ có tiêu chí đánh giá khác nhau, doanh nghiệp có thể tham khảo nội dung tại phần Phụ lục của Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT:
- Sản phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản tham khảo Phụ lục IXA.
- Sản phẩm rau, quả, chè thuộc lĩnh vực trồng trọt tham khảo Phụ lục IXB.
- Sản phẩm bò sữa, gia cầm, lợn, ong thuộc lĩnh vực chăn nuôi tham khảo Phụ lục IXC.
Bước 2: Tổ chức chứng nhận tiến hành lấy mẫu thực tế và xác định chỉ tiêu phân tích theo quy định tại VietGAP. Hoạt động này bao gồm việc đánh giá các yếu tố sau:
- Đánh giá môi trường
- Đánh giá vật tư đầu vào
- Đánh giá chất thải
- Đánh giá mẫu điển hình của sản phẩm.
Đối với việc thu thập mẫu, tổ chức thực hiện phương pháp lấy mẫu, phương pháp thử theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định. Trường hợp chưa có quy định cụ thể, tổ chức đánh giá thực hiện theo phương pháp của phòng thử nghiệm được công nhận hoặc theo chỉ định đề ra. Điều này đảm bảo quá trình thu mẫu được thực hiện một cách chính xác và đáng tin cậy.
Bước 3: Sau khi thu được kết quả thử nghiệm, tổ chức chứng nhận tiến hành đánh giá doanh nghiệp sản xuất nhiều thành viên, nội dung đánh giá diễn ra theo trình tự:
- Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng nội bộ theo Phụ lục X ban hành theo Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT.
- Đánh giá tài liệu lưu trữ.
- Đánh giá thành viên đại diện nhóm, thành viên đại diện nhóm sẽ do tổ chức chứng nhận quyết định theo từng trường hợp cụ thể.
Bước 4: Với mỗi loại sản phẩm cần chứng nhận, các tổ chức chứng nhận cần xây dựng hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đăng ký, trình tự và nội dung đánh giá, thời gian đánh giá, cấp Giấy chứng nhận VietGAP và thông báo cho doanh nghiệp cần chứng nhận.
Giấy chứng nhận VietGAP
Những doanh nghiệp đạt điều kiện sau hoạt động đánh giá sẽ được cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Chứng nhận này là văn bản minh chứng cho sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng lòng tin với khách hàng.
Hiệu lực của Giấy chứng nhận VietGAP
Giấy chứng nhận có hiệu lực tối đa 02 năm kể từ ngày cấp. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận nhưng không tiếp tục đăng ký cấp lại sau khi hết hạn sẽ được gia hạn tối đa thêm 3 tháng.
Hướng dẫn thông tin trên Giấy chứng nhận
Trên Giấy chứng nhận VietGAP, doanh nghiệp cần thể hiện rõ các thông tin như sau:
- Tên doanh nghiệp được chứng nhận
- Trụ sở chính của doanh nghiệp được chứng nhận
- Địa chỉ sản xuất
- Tên sản phẩm chứng nhận
- Sản lượng sản phẩm dự kiến theo địa điểm
- Diện tích sản xuất
- Số hộ thành viên
- Tên tiêu chuẩn
- Phương thức chứng nhận
- Số chứng chỉ
- Quyết định chứng nhận
- Hiệu lực của chứng nhận (Ngày cấp – Ngày hết hạn)
- Dấu chứng nhận
- Mã QR chứng nhận
- Dấu và chữ ký pháp nhân của tổ chức cấp chứng nhận
- Tên tổ chức cấp chứng nhận
Lưu ý:
– Trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa điểm sản xuất đăng ký đánh giá cùng thời điểm, Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cần thể hiện được các thông tin như: Địa chỉ, tên sản phẩm chứng nhận, diện tích nuôi/diện tích sản xuất, dự kiến sản lượng theo từng địa điểm.
– Trường hợp cùng địa điểm sản xuất nhưng có nhiều thành viên, Giấy chứng nhận cần phải có: Danh sách thành viên, danh sách này bao gồm họ tên, địa chỉ, tên sản phẩm, diện tích, sản lượng dự kiến.
– Mã số chứng nhận sẽ được cấp thông qua Website theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt. Tổ chức chứng nhận có nhiệm vụ phải cung cấp mã chứng nhận cho doanh nghiệp để đảm bảo khả năng tra cứu.
– Hiện tại, logo VietGAP vẫn chưa có mẫu chung, doanh nghiệp đạt chứng nhận sẽ sử dụng logo của tổ chức chứng nhận cung cấp.
Trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP
Giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực 2 năm, trong thời gian này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo sản phẩm tạo ra an toàn, chất lượng nếu không sẽ bị đình chỉ và xử lý vi phạm theo quy định. Dưới đây là một số trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận:
Trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận
Duy trì điều kiện sản xuất, sơ chế và hoạt động đánh giá nội bộ đáp ứng yêu cầu của VietGAP. Trong quá trình hoạt động, có thay đổi cần báo ngay cho tổ chức chứng nhận để theo dõi, giám sát. Có hành động khắc phục đúng thời hạn, khi bị cảnh cáo hoặc đình chỉ hoặc hủy bỏ Giấy chứng nhận VietGAP.
Với lô hàng, sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm cần phải tạm dừng phân phối, thu hồi nếu đã đưa ra thị trường. Nếu như không khắc phục được nguy cơ gây mất an toàn, doanh nghiệp cần phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sở tại và tổ chức chứng nhận để có biện pháp xử lý phù hợp.
Đơn vị xin cấp giấy chứng nhận, có trách nhiệm trả đủ chi phí cho tổ chức chứng nhận và thể hiện các thông tin về sản phẩm chứng nhận VietGAP trên nhãn hàng hóa một cách trung thực.
Quyền hạn của doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận
Doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận có quyền lựa chọn, thuê tổ chức, cá nhân tư vấn trong quá trình chuẩn bị. Có quyền khiếu nại về kết quả chứng nhận, kiểm tra, giám sát và bảo lưu ý kiến nếu không đồng ý với kết quả đánh giá, giám sát của đoàn đánh giá, giám sát. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi tổ chức chứng nhận, phải cung cấp đầy đủ thông tin cho tổ chức mới.
Doanh nghiệp có quyền sử dụng mã số VietGAP, logo VietGAP khi đạt điều kiện đánh giá VietGAP nhưng phải sử dụng theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thỏa thuận với tổ chức chứng nhận. Doanh nghiệp có quyền công bố sản phẩm an toàn tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật.
Các hình thức xử lý vi phạm với doanh nghiệp xin cấp chứng nhận VietGAP
Tổ chứng chứng nhận có thể căn cứ vào quá trình giám sát hoặc kết quả kiểm tra, thanh tra để xử lý vi phạm của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo các cấp độ như: cảnh cáo, đình chỉ và hủy bỏ. Dưới đây là hình thức xử lý với từng mức độ vi phạm của doanh nghiệp.
Phạt cảnh cáo
Doanh nghiệp bị cảnh cáo bằng văn bản, khi phát hiện có điểm không phù hợp theo yêu cầu của VietGAP. Lúc này, doanh nghiệp cần khắc phục những điểm không phù hợp đúng thời hạn và báo cáo bằng văn bản cho tổ chức chứng nhận.
Đình chỉ Giấy chứng nhận
Doanh nghiệp bị đình chỉ hiệu lực của Giấy chứng nhận VietGAP, trong trường hợp đã bị cảnh báo nhưng không có hành động khắc phục đúng thời hạn. Tính từ thời điểm quyết định đình chỉ có hiệu lực, doanh nghiệp sẽ có thời hạn 6 tháng để khắc những điểm không phù hợp.
Hủy bỏ Giấy chứng nhận
Theo quy định của nhà nước, doanh nghiệp sẽ bị hủy bỏ giấy chứng nhận trong các trường hợp sau:
- Sau khi bị đình chỉ giấy chứng nhận nhưng không có hành động khắc phục đúng thời hạn.
- Hai lần xin hoãn giám sát liên tiếp mà không có lý do chính đáng.
- Doanh nghiệp sử dụng logo VietGAP hoặc dấu hiệu của tổ chức chứng nhận không đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền.
- Trường hợp cơ quan kiểm tra, thanh tra phát hiện doanh nghiệp vi phạm và yêu cầu xử lý thì tổ chức chứng nhận phải thông báo cho cơ quan kiểm tra, thanh tra ngay sau khi ký quyết định xử lý.
- Trong thời hạn doanh nghiệp thực hiện các hành động khắc phục sẽ không được đăng ký chứng nhận VietGAP. Quá trình đăng ký lại phải đợi khắc phục xong.
Chứng nhận VietGAP đang dần trở thành yêu cầu thiết yếu đối với doanh nghiệp. Để nâng cao giá trị sản phẩm, doanh nghiệp cần tích cực nghiên cứu và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Đây không chỉ là một minh chứng về chất lượng sản phẩm mà còn là cách để doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế trong tương lai.