Xuất khẩu cà phê Việt Nam: Cơ hội, thách thức và vai trò với nền kinh tế quốc gia

5/5 - (1 bình chọn)

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới với 14.2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (hơn 80 quốc gia). Tuy nhiên, giá trị sản phẩm thu được lại không cao do sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê thô. Vậy, đâu là cơ hội để ngành cà phê Việt Nam có thể thay đổi và hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu? Hãy tìm hiểu trong bài viết này.

Việt Nam – Nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới (sau Brazil) với sản lượng lớn và còn nhiều tiềm năng khai thác.

Sản lượng xuất khẩu cà phê việt nam

Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu 2022, thống kê xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,78 triệu tấn, trị giá 4 tỷ USD. Giá xuất khẩu trung bình cả năm 2022 đạt khoảng 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021. Đưa Việt Nam trở thành một trong các nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới  (chỉ sau Brazil).

Bước sang năm 2023 tính đến tháng 8 vừa qua, sản lượng cà phê xuất khẩu trên 1,5 triệu tấn, đạt hơn 2,8 tỷ USD, giảm 20% về lượng nhưng tăng gần 5% về giá trị. Thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam chủ yếu là Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Algeria, Hà Lan, Mexico và đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu lượng xuất khẩu những tháng cuối năm bằng với cùng kỳ năm trước và giá xuất khẩu bằng với những tháng đầu năm, thì lượng cà phê xuất khẩu cả năm 2023 dự kiến sẽ đạt khoảng 1,718 triệu tấn, trị giá 4.2 tỷ USD xác lập kỷ lục mới của ngành cà phê Việt Nam.

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới

Tiềm năng xuất khẩu cà phê Việt Nam

Các ưu đãi về thuế tại thị trường EU: Việc ký kết và triển khai Hiệp định EVFTA tạo cơ hội to lớn cho xuất khẩu cà phê Việt Nam. Theo hiệp định, thuế quan xuất khẩu cà phê sang EU sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025. Điều này, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt với các đối thủ lớn khác tại thị trường EU.

Nguồn nguyên liệu dồi dào: Việt Nam có nguồn cà phê Robusta dồi dào là lợi thế để phục vụ hoạt động xuất khẩu và chế biến sâu. Các doanh nghiệp sản xuất nếu như tận dụng tốt nguồn cung tại chỗ này, đầu tư nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ là tiềm năng giúp cà phê Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.

Mức giá cạnh tranh cao: Cà phê Robusta rẻ hơn so với cà phê Arabica nên có lợi thế cạnh tranh về giá. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ cà phê Arabica sang Robusta để giảm thiểu chi phí. Vì vậy, với quốc gia mạnh về dòng cà phê Robusta như Việt Nam, đây được xem là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cà phê trong thời gian tới.

Cơ hội mở rộng thị phần: Từ đầu năm 2023, Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp nguồn cung. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil, sản lượng cà phê Robusta của Brazil trong năm 2023 có thể sẽ sụt giảm gần 9% so với năm ngoái. Indonesia cũng được dự đoán sản lượng sẽ giảm về mức thấp nhất trong gần 1 thập kỷ. Điều này giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu dùng tăng cao: Sau đại dịch Covid-19, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn cầu. Theo đó, mức tăng trưởng kinh tế toàn thế giới được điều chỉnh từ 2,7% lên 2,9%, các nền kinh tế lớn như Mỹ và khu vực đồng tiền chung Châu Âu cũng có sự khởi sắc. Kỳ vọng chi tiêu của người dân sẽ được nới lỏng do đó nhu cầu với mặt hàng cà phê của các quốc gia sẽ có sự tăng lên.

Lợi thế về nguyên liệu, thuế quan xuất khẩu, giá thành giúp ngành cà phê ngày càng có nhiều tiềm năng
Lợi thế về nguyên liệu, thuế quan xuất khẩu, giá thành giúp ngành cà phê ngày càng có nhiều tiềm năng

Vai trò của xuất khẩu cà phê với kinh tế Việt Nam

Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, vì vậy mà ngành cà phê giữ một vai trò rất lớn trong nền kinh tế quốc gia. Dưới đây là một số đóng góp không nhỏ từ hoạt động xuất khẩu cà phê.

Tạo ra thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống người dân

Cà phê là một ngành sử dụng nhiều lao động, theo thống kê mỗi năm 600.000 – 700.000 lao động, chiếm khoảng 2,93% tổng số lao động trong ngành nông nghiệp và chiếm 1,83% tổng số lao động trên toàn nền kinh tế quốc dân. Do đó, ngành xuất khẩu cà phê góp phần tạo ra công ăn việc làm, giải quyết vấn đề thất nghiệp cho người dân. Điều này cũng làm giảm tải tình trạng di cư lao động ra các khu công nghiệp, thành thị tìm kiếm việc làm. Người dân sẽ có cơ hội ổn định cuộc sống, tạo ra thu nhập ngay trên quê hương mình.

Giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế thúc đẩy sản xuất phát triển

Xuất khẩu cà phê góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nước ta và thúc đẩy sản xuất phát triển. Quá trình sản xuất cà phê xuất khẩu sẽ kéo theo hàng loạt các ngành kinh tế phát triển như: ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo máy móc. Các ngành xây dựng được thúc đẩy như xây dựng đường xá, trường, trạm thu mua cà phê. Đặc biệt là đưa thiết bị, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của cà phê trên thị trường.

Như vậy, xuất khẩu cà phê giúp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tạo ra những tiền đề kinh tế, kỹ thuật nhằm cải tạo và nâng cao năng lực sản xuất trong nước. Đồng thời, hoàn thiện công nghệ sản xuất kinh doanh thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nghành cà phê có vai trò không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia
Nghành cà phê có vai trò không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia

Xuất khẩu cà phê đang có những thuận lợi và thách thức nào?

Là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế. Song bên cạnh đó, ngành hàng này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị.

Thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu cà phê

  • Việt Nam có khí hậu và đất đai thích hợp cho sự phát triển của cây cà phê, nhất là giống cà phê Robusta.
  • Kỹ thuật canh tác ngày càng cải tiến và được áp dụng vào sản xuất như: kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, trồng xen, sản xuất có chứng nhận và nhất là tái canh cà phê đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
  • Nhà nước, doanh nghiệp đã nhận thức được thay đổi của thị trường từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu.

>> Đừng bỏ qua: cà phê Việt Nam là loại gì

Khó khăn trong hoạt động xuất khẩu cà phê

Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn gặp phải một số khó khăn trong bối cảnh hiện tại:

  • Các khu vực sản xuất chưa phát triển một cách bền vững, việc tăng năng xuất cà phê chủ yếu do mở rộng diện tích, chưa chú trọng đến sản lượng. Trong khi đó, các nước nhập khẩu lớn ra sắc lệnh nghiêm cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng. Đây là bài toán đặt ra cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển xanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
  • Các thị trường tiêu thụ lớn có những quy định về dư lượng thuốc trừ sâu đối với cây cà phê. Điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mới phục vụ hoạt động xuất khẩu.
  • Quá trình thu hoạch nhiều vùng còn thủ công chủ yếu theo hình thức tuốt cành làm cho quả xanh và chín lẫn lộn dẫn đến chất lượng cà phê chế biến thấp. Cơ sở chế biến cà phê sau thu hoạch chưa đồng đều về quy mô, trang thiết bị máy móc đơn giản, chưa có sự đầu tư cao. Chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng vững mạnh phục vụ cho sản xuất, chế biến xuất khẩu và dự trữ trong kho.
  • Nhà nước chưa có chính sách chỉ đạo quản lý linh hoạt, chưa có sự đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm. Chính sách hỗ trợ vốn nhà nước còn chưa được đúng, chủ yếu tập trung vào đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
Các thị trường lớn ngày càng có yêu cầu quy địn đòi hòi doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi phù hợp
Các thị trường lớn ngày càng có yêu cầu quy định đòi hòi doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi phù hợp

Việt Nam xuất khẩu cà phê sang những nước nào?

Việt Nam đã xuất khẩu cà phê đến hơn 80 nước, trong đó sản lượng xuất khẩu nhiều nhất phải kể đến là nước Đức. Tiếp đến là các nước Italia, Mỹ, Nga, Bỉ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây đều là thị trường nhập khẩu cà phê chính của Việt Nam cụ thể:

Trong năm 2022, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt gần 495 triệu USD. Bước sang tháng 01/2023, Đức vẫn là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam đạt kim ngạch 42,3 triệu USD.

Tại thị trường Italia, chuyên gia đánh giá có nhiều khởi sắc. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang nước Italy đạt 17.270 tấn. Con số này dự kiến còn có xu hướng tăng hơn nữa ở các tháng cuối năm.

Hoa Kỳ là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 285 triệu USD. Sang năm 2023, xu hướng nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ giảm xuống, nhưng vẫn tăng nhập khẩu cà phê từ Việt Nam với sản lượng đạt 80,76 nghìn tấn, trị giá 182,62 triệu USD.

Trong các tháng đầu năm 2023, Nga được đánh giá là nước có triển vọng cho thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam. Tháng 3/2023, sản lượng cà phê xuất sang Nga đạt 13.271 tấn, trị giá 30,7 triệu USD, tăng 418% so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc cũng được coi là một nước có tiềm năng lớn với ngành cà phê Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 13.420 tấn, trị giá 40,38 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến sang Trung Quốc đạt 24,23 triệu USD trong 4/2023. Tại Trung Quốc cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Vì vậy, đây được coi là yếu tố để doanh nghiệp Việt khai thác sâu hơn thị trường tiềm năng này.

Có đến hơn 80 nước nhập khẩu cà phê của Việt Nam như: Đức, Nga, Mỹ...
Có đến hơn 80 nước nhập khẩu cà phê của Việt Nam như: Đức, Nga, Mỹ…

Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cà phê một cách bền vững

Làm thế nào để thúc đẩy xuất khẩu cà phê một cách bền vững? Dưới đây là một số giải pháp có thể áp dụng:

Xây dựng vùng trồng cà phê chất lượng cao

Cần phải xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn nhằm đảm bảo yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Có kế hoạch tái canh với các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để nâng cao sản lượng thu hoạch. Nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu bằng cách áp dụng quy trình hái chín, chọn lọc và sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các vùng trồng cần có kế hoạch sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Quá trình canh tác cần tuân theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, 4C, Rainforest Alliance, Organic, UTZ (Quy trình sản xuất cà phê bền vững) để tạo ra sản phẩm cà phê sạch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đồng thời, đầu tư kết cấu hạ tầng, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại. Đầu tư các hạng mục công trình nhà kho kết hợp trưng bày sản phẩm. Giữa các vùng trồng cần có sự liên kết bền vững với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Chuyển hướng cà phê chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu

Các sản phẩm chế biến sâu như: cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê bột, cà phê đóng lon… chính là chìa khóa nâng cao giá trị xuất khẩu cho cà phê Việt Nam, đồng thời tạo dựng thương hiệu cà phê Việt trên thị trường quốc tế. Vì vậy, thay cho xuất khẩu ồ ạt cà phê nhân, doanh nghiệp nên có sự dịch chuyển sang chế biến sâu, sản xuất ra những sản phẩm tinh chế, có giá trị thương mại cao.

Đẩy mạnh quá trình chế biến sâu để nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt
Đẩy mạnh quá trình chế biến sâu để nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt

Các doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu thị trường, đồng thời đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực sản xuất. Áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu trong quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm như: BRC ISO 22000… góp phần nâng giá trị chuyên sâu cho sản phẩm cà phê của Việt Nam.

Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu.

Cà phê Việt Nam đang có vị thế nhất định trên thị trường quốc tế, nhưng để duy trì và đạt được những mục tiêu cao hơn trong tương lai, cần có những chính sách hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh nhạy với nhu cầu thị trường, đầu tư vào công nghệ chế biến để nâng tầm thương hiệu cà phê Việt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *